Tứ Hoằng Thệ Nguyện là gì
Tứ là bốn. Nguyện là ý nguyện, tức là chỗ ý hướng đến, tâm nghĩ đến điều gì đó rồi phát ra lời nguyện. Như vậy, Tứ Hoằng Thệ Nguyện là bốn đại Nguyện căn bản, lớn lao và vô cùng trọng yếu của người học Phật, đó là:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chư Phật cùng Bồ tát thuở quá khứ; Chư Phật, Bồ tát ở hiện tại; Chư Phật, Bồ tát trong tương lai cũng đều y theo Tứ hoằng thệ nguyện này mà tu hành chứng quả.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện do đâu mà phát ra
Tứ hoằng thệ nguyện này là y theo bốn đế mà phát ra. Bốn đế là: Khổ đế, Diệt đế, Tập đế và Đạo đế. Y theo Khổ đế thì phát ra lời nguyện “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”; Y theo Tập đế thì phát ra lời nguyện “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”; Y theo Đạo đế thì phát ra lời nguyện “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”; Y theo Diệt đế thì phát ra lời nguyện “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Hơn nữa, Tứ hoằng thệ nguyện cũng là chiếu theo ba khổ: Khổ khổ, Hành khổ, Hoại khổ của chúng sanh mà phát ra.
Khổ khổ chính là những nghèo cùng khốn khổ của chúng sanh.
Hoại khổ chính là chúng sanh dù được giàu sang, nhưng sự giàu sang đó hư hoại đi.
Hành khổ chính là đã không phải bị khổ sở vì nghèo thiếu, cũng không phải là giàu sang bị hư hoại, mà là hành khổ của vô thường biến đổi.
Từ nhỏ đến lớn, từ lớn đến già, từ già đến chết, suốt cả một đời niệm niệm đổi dời, cho nên có ba khổ.
*
Ngoài đại lược về ba khổ ra, kiếp người không ai không tránh được Tám khổ: Sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Sanh là khổ, già là khổ, có bệnh là khổ, lúc chết lại càng khổ, sanh già bệnh chết đều là khổ; Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhơn nhìn thấy khổ sanh già bệnh chết liền phát tâm xuất gia, tu hành. Ái biệt ly khổ là nỗi khổ đối với người mình yêu thích mà vì hoàn cảnh nào phải xa lìa.
Yêu mà phải xa lìa là một thứ khổ, mà không yêu lại thường hội tụ ở một chỗ cũng là một thứ khổ, đó gọi là Oán tắng hội khổ. Ví dụ: Anh không thích người ấy, ở một nơi nào đó lại chạm mặt với người ấy và cùng làm việc chung với họ, nỗi khổ ấy gọi là Oán tắng hội khổ. Lại có một thứ gọi là Cầu bất đắc khổ, nghĩa là không được toại lòng mong muốn, mong muốn được mà không thể được. Khi chưa được thì lo lắng cho được, khi đã được rồi thì lại sợ mất mát.
Nhưng cái thứ khổ lo được lo mất không kể gì lợi hại, chính là Ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm là Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thứ này giống như là ngọn lửa cháy bừng bừng. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm ấm này giờ giờ khắc khắc đều đi theo trên thân thể chúng ta khiến cho nhận lấy vô vàn sự thống khổ.
*
Ngoài tám khổ ra còn có vô lượng vô biên khổ nữa. Tại sao có quá nhiều khổ như vậy? Đó là vì chúng ta trong đời quá khứ gieo trồng quá nhiều nhơn khổ, cùng làm bạn bè với chúng mà không muốn xa lìa, vì thế gieo trồng nhơn duyên của khổ này mà nhận lấy khổ quả. Cho nên nói:
“Muốn biết nhơn đời trước, hãy xem đời nay nhận quả gì”. (Cái mà anh nhận lấy đời này chính là do những việc làm của anh từ đời trước).
“Muốn biết quả đời sau, hãy xem đời này gieo nhơn gì “. (Đời này anh làm việc gì, thì đời sau sẽ kết thành quả đó).
Vì thế, anh gieo trồng nhơn lành thì sẽ hưởng kết quả lành, anh gieo trồng nhơn ác thì sẽ nhận kết quả ác, đương lúc quả thành thục thì lòng rất sợ hãi. Bồ tát thì sợ nhơn chớ không sợ quả; còn chúng sanh thì sợ quả chớ không sợ nhơn.
*
Sợ tức là sợ hãi. Bồ tát thì sợ nhơn chớ không sợ quả, cho nên cẩn thận, dè dặt, không trồng nhơn khổ, vì thế các Ngài không có quả khổ. Ở thời quá khứ, khi chưa rõ ràng, các Ngài cũng gieo trồng nhơn khổ; hiện tại quả khổ đến, các Ngài vui vẻ tiếp nhận, vì hiểu rõ rằng thọ khổ thì hết khổ, hưởng phước thì hết phước.
Nhưng chúng sanh sợ quả mà không sợ nhơn, khi gieo trồng nhơn bất kể là nhơn tốt hay xấu, nhơn thiện hay ác, cứ cho là việc nhỏ không ăn thua gì, cho nên mặc tình gây tạo, không để tâm cẩn thận một tí nào. Nhơn gì cũng gieo, nên khi thọ khổ thì thọ hoài không hết, rồi than van rằng: “Sao mà gặp cái thứ hoàn cảnh trớ trêu như vầy?”
Đã sợ nhận lấy quả khổ, thế thì trước kia đừng gieo trồng nhơn khổ có hơn không? Sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây thì không có các khổ, chỉ thọ các điều vui. Không có một chút khổ nào là vì người ở đó đều thanh tịnh, không có tâm tranh đua, tham dục, si mê và ba ác đạo. Vì không có ba độc tham sân si cho nên không có ba thứ ác đạo. Ba ác đạo là do ba độc biến hiện ra.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: 1. Chúng sanh vô biên thề nguyện độ.
Chúng sanh trong pháp giới là vô lượng vô biên. Kinh dạy: “Phật đạo kiến lập trên thân chúng sanh. Nếu chẳng có chúng sanh được độ thì chư Phật chẳng thể thành chánh giác.” Vì thế nếu muốn thành Phật nếu chẳng phát nguyện độ chúng sanh ắt chẳng thể thành tựu. Phật độ tất cả chúng sanh mà không thấy một chúng sanh nào được diệt độ, đó chính là phát tâm khiến cho tất cả người tu Bồ tát đạo, khiến tất cả người lìa khổ được vui, khiến tất cả người đều được thành Chánh giác.
Dầu độ chúng sanh nhưng không có tướng độ chúng sanh. Độ sanh lìa tướng, lìa tướng độ sanh, không dính mắc vào tướng, nói: “Chúng sanh này là của tôi độ, chúng sanh kia cũng của tôi độ, độ 1 người, … 10 người, tôi độ được 10 chúng sanh”.
Độ chúng sanh phải là không tính số, có tính số thì có chấp trước, không tính số thì không chấp trước. Độ mà không độ, không độ mà độ, đó mới thiệt là độ chúng sanh. Chúng sanh bên ngoài dĩ nhiên là đáng độ. Chúng sanh trong tự tánh cũng phải đáng độ. Trong tự tánh có 84.000 chúng sanh, càng cần phải độ cho nó tu hành thành Phật, nhập Niết bàn.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: Phiền não vô tận thề nguyện dứt
Độ chúng sanh, có độ là độ phiền não của chúng sanh, không độ thì chúng sanh vẫn còn phiền não, mà phiền não có 84.000 thứ … Hàng Nhị thừa dứt được Kiến hoặc và Tư hoặc, nhưng vẫn còn Trần sa hoặc. Bồ tát có Vô minh hoặc. Vô minh là thứ nặng nề nhứt.
Chúng sanh trừ được Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc, nhưng vẫn còn Vô minh hoặc. Bồ tát Đẳng giác dứt được Trần sa hoặc, khi sắp thành Phật, hãy còn một phần Sanh tướng vô minh rốt sau, cũng giống như 84.000 sợi lông chỉ còn thừa lại một sợi, chỉ cần nhổ được sợi lông đó là xong. Bồ tát Đẳng giác dứt được Sanh tướng vô minh, liền chứng Diệu giác, tức thành Phật.
Sao gọi là Kiến hoặc?
Kiến là đối cảnh khởi tâm tham ái. Đối cảnh giới khởi tâm tham cùng tâm ái, không thấy rõ cảnh giới này mà nhận rằng tất cả là thật có. Vì nhận cho là thật nên ăn cơm cũng là thật, ngủ nghỉ cũng là thật, không có bạn bè cũng cho là thật, đó chính là không rõ ràng. Thấy (kiến), cho là tốt đẹp, rồi sanh ra tham ái vô cùng vô tận, không bao giờ biết đủ biết chán, đó chính là Kiến hoặc, đối cảnh khởi tâm tham ái.
Sao gọi là Tư hoặc?
Tư hoặc chính là mê lý khởi phân biệt, đối lý không rõ ràng mà khởi ra phân biệt. Không biết vị Pháp sư đó giảng có đúng không? Có chỗ nào hay không? Có lợi ích gì cho mình không? Không ích lợi thì không muốn làm. Việc mình làm nhất đinh phải có lợi ích, chỉ thấy trước mặt 3 tấc, mà chẳng thấy được trước mặt 4 tấc. Chỉ thấy cảnh trước mắt mà chẳng thấy được nơi chốn xa xôi kia. Đó đều là Tư hoặc.
Tư hoặc chính là những tư tưởng không rõ ràng, mơ mơ hồ hồ. Không đúng cho là đúng. Vừa rồi tôi nói nhận cho ăn cơm là thật, mặc áo cũng là thật, nếu không phải là giả thì anh thấy cái gì là thật ư? Mặc áo, ăn cơm, ngủ nghỉ đều là quá trình của đời người. anh không cần chấp trước phải nhận chân là thế nào. Nếu anh không chấp trước thì có thể nhẹ nhàng tự tại.
Còn nếu anh chấp trước thì sẽ bị thống khổ. Nếu anh cho là tất cả đều không thật, thì sẽ không có tham ái, giống như trong chiêm bao làm những việc lung tung. Nghĩ ra như thế anh sẽ buông bỏ hết, mọi sự tình rồi sẽ qua đi. Nếu anh bỏ không được thì có chấp trước, mọi sự tình sẽ không qua được. Đó là Kiến hoặc.
*
Có 88 phẩm Kiến hoặc và 81 phẩm Tư hoặc. Phá được Kiến hoặc trong ba cõi thì chứng được Sơ quả A-la-hán. Kiến hoặc không phá được thì không thể nào chứng quả được. Đối với tất cả cảnh giới anh có tâm ái không? Có tâm tham không? Đối vời cảnh có khởi tâm tham ái không? Đối với cảnh giới vừa lòng có khởi tâm tham ái không? Đối với cảnh giớì không vừa lòng có khởi tâm giận ghét không? Anh có thể trừ bỏ được tâm tham ái không?
Nếu anh thiệt không có, thì rốt cuộc nó sẽ không còn tồn tại. Làm sao biết “anh không có tham ái?” Nhơn vì anh còn biết có chính mình trong đó cho nên anh nói không tham không ái, nhưng mà lại còn có cái Ngã ở trong, vì chưa chứng Sơ quả nên chưa phá được. Việc đó không phải nói không là không một cách dễ dàng.
Ngũ lợi sử là gì?
Ngũ lợi sử là: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ kiến. Sao gọi là Lợi? – Lợi là đến nhanh chóng, trái với Độn là đến chậm chạp.
1. Thân kiến: Chấp trước đây là thân thể của ta. Thân thể của ta gầy đi, cảm thấy ăn không ngon, mặc không vừa ý, ở không thoải mái. Thân thể ta như thế thì làm sao an toàn được? Suốt ngày từ sáng tới tối cứ lo nghĩ về mình.
2. Biên kiến: Chính là chấp đoạn chấp thường. Chấp đoạn thì cho rằng người ta chết đi trở về với hư không, không còn gì nữa, như dầu hết đèn tắt. Chấp thường thì cho là con người chết đi, thì sao? Vẫn làm người nữa; chó mãi mãi làm chó, mèo cứ làm mèo hoài; người luôn luôn làm người, chớ không đổi làm chó mèo được. Những kiến chấp như trên lạc vào nhị biên nên gọi là Biên kiến, không hợp với Trung đạo. Đời nay làm người, đời sau vẫn làm người. Cỏ vẫn là cỏ, cây vẫn là cây, người không thể làm súc sanh, cũng không thể làm quỷ. Đó chính là Biên kiến.
*
3. Tà kiến là thế nào? – Tà kiến là cho rằng làm lành không có quả báo lành, làm ác cũng không có quả báo ác. Họ bác không nhơn quả, hoàn toàn không nhơn không quả. Họ không tin làm lành được phước, làm ác phải tội.
4. Giới cấm thủ kiến: Dạy người giữ giới bò, giới chó. Giữ giới bò là bắt chước theo bò ăn cỏ. Tại sao thế? Nhơn vì họ thấy biết sai lầm, thấy bò được sanh lên trời cho nên bắt chước theo bò, thấy chó được sanh lên trời cho nên bắt chước theo chó. Giới kiến: Không phải nhơn chấp là nhơn, cũng là giới thủ. Người xuất gia giữ giới có tâm chấp trước này, họ chấp rằng ta hay giữ giới, giới này là giới của ta giữ, có một thứ tâm hay giữ giới và những giới được giữ. Họ không biết rằng bản thể của giới xưa nay vốn là rỗng không, không nên chấp trước. Hễ có chấp trước thì biến thành Giới thủ.
5. Kiến thủ kiến: Không phải quả chấp là quả. Không phải là quả rốt ráo, họ cho đó là quả rốt ráo. Họ cho Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Xứ là Niết bàn, đó gọi là “không phải quả chấp là quả”.
Tứ Thiền gồm: Sơ thiền thiên, Nhị thiền thiên, Tam thiền thiên, Tứ thiền thiên.
*
- Người tọa thiền lên đến cảnh giới Sơ thiền có thể không còn thở nữa, không có sự hô hấp. Ở cảnh giới này tuy không còn hô hấp nhưng vẫn có một niệm động, một khi phát sanh niệm động này thì hô hấp sẽ trở lại. Đó là Sơ thiền.
- Nhị thiền là mạch đứt rồi, khí hô hấp không còn nữa thì mạch cũng ngừng luôn, giống như người chết. Tuy mạch ngừng đập nhưng không phải chết. Đó là cảnh giới của Nhị thiền.
- Tam thiền là ngồi cho đến ý niệm cũng ngừng bặt. Ở Sơ thiền, Nhị thiền không còn hô hấp nữa, mạch cũng ngừng đập, nhưng lại còn có ý niệm, đến Tam thiền thì ý niệm đó cũng không còn nữa vì thường ở trong định.
- Đến Tứ thiền thì chỉ còn thức mà thôi. Tam thiền không có ý niệm là không có ý niệm thô, nhưng ý niệm tế vẫn còn; đến Tứ thiền cả ý niệm tế cũng dứt luôn. Cảnh giới này chỉ là con đường cần phải kinh qua của người tu Thiền, chớ không phải là quả chứng.
*
Không chỉ nói Tứ thiền, mà ngay cả Tứ không xứ: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chẳng qua chỉ là một thứ định, chớ không phải là quả chứng; nếu có chấp lấy (Kiến thủ) thì có thể cho cảnh giới này là Niết bàn và cho là chứng đắc quả A-la-hán thứ tư. Như Vô Văn Tỳ kheo cho Tứ thiền là Tứ quả, đó là vì anh ta không hiểu. Những Kiến hoặc… ở trên là Ngũ lợi sử. Tư hoặc… là Ngũ độn sử. Độn tức là đến chậm chạp. Ngũ độn sử là tham, sân, si, mạn, nghi.
Tại sao người ta có phiền não?
Đó là vì có vô minh. Sau khi Vô minh sanh ra thì có Trần sa hoặc. Trần sa hoặc còn gọi là Vô minh hoặc, tức là không có hiểu biết đúng đắn. Tư hoặc cũng có thể gọi là Vô kiến hoặc, tại vì sau khi Vô minh sanh ra bèn có Tham, anh nghĩ ra phải có được cái gì đó, bèn sanh ra tâm tham, rồi sanh ra các thứ phiền não; phiền não một khi sanh ra, sẽ sanh ra tâm Sân; tâm Sân một khi sanh ra thì chỉ biết về mình mà chẳng biết có người khác.
Vì chỉ biết có mình, cho nên khi tâm sân hận sanh ra thì muốn hạ thấp giá trị của người khác. Có thứ tâm này chính là ngu si, không phân biệt được phải quấy trắng đen, bất kể tất cả. Nguyên do chính là không biết đạo lý, ngay đến ngu si, phải quấy, cong ngay, đen trắng đều không nhận ra. Vì có ngu si mới sanh ra tâm kiêu mạn.
Vì có tâm kiêu mạn nên lại sanh ra một thứ nghi, nên không tin đạo lý do bất cứ ai giảng giải. Thiệt cũng không tin, giả càng không tin nữa. Sanh ra mọi thứ hoài nghi, đó chính là Tư hoặc. Do Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc mà thành các thứ Vô minh phiền não. Cho nên các thứ phiền não vô cùng vô tận không có lúc nào hết. Trước tình hình này người tu hành phải nương vào Tứ đế mà phát lời thệ nguyện: “Phiền não vô tận thệ dứt trừ”.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: 3.Pháp môn vô lượng thề nguyện học.
“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, nghĩa là người tu hành cần phải hiểu rõ các thứ pháp môn. Các thứ pháp môn nhiều vô lượng vô biên, cũng chính là một thứ pháp môn để tu hành. Nếu anh không rõ biết phương pháp thì anh không thể tu hành được, vì muốn tu hành thì phải rõ phương pháp. Phương pháp này rất nhiều, nhiều đến vô lượng vô biên, cho nên phải nương theo Đạo đế mà phát nguyện lực: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Sao gọi là pháp môn vô lượng? Vô lượng pháp môn từ đâu mà có?
– Ấy là: Phật nói tất cả pháp nhơn vì tất cả tâm của chúng sanh. Nếu không tất cả tâm, thì cần gì tất cả pháp? Tất cả pháp đều do tâm chúng sanh mà có, vì tâm chúng sanh có ngàn sai muôn khác, các thứ không giống nhau, tâm của mỗi con người đều không giống nhau, cho nên pháp môn cũng có nhiều thứ không đồng.
Tóm tắt lại pháp có ba thứ: Phật pháp, tâm pháp và chúng sanh pháp. Ba pháp này sanh ra Tứ đế, Lục độ, 12 nhơn duyên, 37 phẩm Trợ đạo… Cho nên nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Pháp môn có rất nhiều, giống như chúng ta giảng kinh này xong lại giảng đến bộ kinh khác, đó không phải là vô lượng hay sao? Chúng ta hiện tại giảng kinh cũng như một giọt nước trong biển cả mà thôi! Chớ không phải là tất cả nước trong biển cả đều được hết.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: 4. Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Chúng ta học Phật pháp để làm gì? Tại sao phải học Phật pháp? Nhơn vì học Phật pháp chính là muốn được thành Phật. Nhưng thành Phật có phải là vọng tưởng không? Thành Phật không phải là vọng tưởng đâu! Vì quả vị Phật là quả vị xưa nay sẵn có của chúng ta, mọi người đều có thể thành Phật. Vì thế chúng ta phải nhanh một bước để sớm thành quả Phật, và y theo Diệt đế mà phát lời nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Diệt đế chính là đạt đến Niết bàn, đạt đến quả vị rốt ráo thanh tịnh bất sanh bất diệt, cho nên nói là: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Chúng ta đối với sự kiện thành Phật không cần phải hoài nghi nữa; Nhưng nếu anh có hoài nghi, cũng có thể thành Phật, duy có điều chậm một chút mà thôi.
Nếu anh không có tâm hoài nghi thì sẽ thành Phật sớm hơn. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật, nhưng không thể nói: “Tất cả chúng sanh đều là Phật”. Nếu chịu tu hành thì mới có thể thành Phật, nếu không chịu tu hành thì tất cả chúng sanh vẫn chỉ là chúng sanh mà thôi, không thể thành Phật được. Làm Phật là lý, nhưng cũng có một cái “Đạo thành Phật”, với điều kiện anh phải nương theo pháp tu hành. Nếu anh không nương theo pháp tu hành thì các tâm Tham, sân, si, mạn, nghi đều không từ bỏ được, không thể nào mau thành Phật được. Vì thế nên phải phát Tứ hoằng thệ nguyện.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: Sự trọng yếu của phát nguyện.
Chúng ta bất luận là làm việc gì cũng cần phải phát lời nguyện trước, rồi sau mới theo lời nguyện mà thực hành. Có thế mới đạt đến mục đích, hy vọng mới có thể thành tựu được. Nói đến đây, tôi nhớ lại một công án:
Có một lần đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang theo rất nhiều đệ tử đến một nước nọ để giáo hóa chúng sanh. Người trong nước này thấy Phật đến liền đóng cửa lại, không có ai chịu bố thí, cũng không ai đến cung kính chào hỏi. Phật đã đến nước ấy rồi, không có ai ra đón rước, vì không có duyên với các đại thần và nhơn dân ở đó. Nhưng khi ngài Mục Kiền Liên đến thì cả quốc vương, đại thần và nhơn dân đều hướng về Ngài cung kính đảnh lễ, tranh nhau đến cúng dường.
Các đệ tử Phật thấy thế, nhưng không biết tại sao, bèn đem hỏi Phật: “Tại sao Phật đến nước này không ai chịu cúng dường cả, mà Ma ha Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, đi đến đây lại được mọi người tranh nhau cúng dường?”
Phật đáp: “Đó là do nhơn duyên đời trước”.
*
Từ vô lượng kiếp về trước, Mục Kiền Liên cùng Phật ở chung một chỗ. Mục Kiền Liên lên núi đốn củi, còn Đức Phật xuống dưới núi sửa đường. Nơi hai Ngài ở có một bầy ong lớn, Phật rất ghét bầy ong, còn Mục Kiền Liên lại rất thích chúng. Đức Phật Thích Ca lúc ấy, khi còn tu nhơn, thường lấy khói hun đốt xua đuổi chúng. Ngài Mục Kiền Liên thường bị chúng đốt đau nhức. Tuy bị đau nhức, nhưng Mục Kiền Liên không dùng lửa để hun đốt, trái lại còn phát nguyện: “Về sau tôi đắc đạo sẽ độ trước bọn ong có nhiều tánh Tu-la này”.
Đời đời kiếp kiếp về sau, bọn ong này biến thành ra người trong một nước. Ong chúa là vua, các ong thợ là dân. Ngày xưa Phật Thích Ca nhơn vì ghét chúng, từng dùng khói hun đốt chúng, nên bây giờ đến nước ấy không có ai ra đón tiếp; Quốc vương, đại thần, nhơn dân cũng không chịu cúng dường Ngài. Trái lại, ngài Mục Kiền Liên phát nguyện sau khi đắc đạo sẽ độ bọn ong này; Cho nên đời này gặp lại nhau thì quốc vương và nhơn dân nước ấy tranh nhau đến cúng dường.
Do đây chúng ta biết rằng nhơn quả rất trọng yếu, vì thế nhất định phải phát nguyện.
(Tứ Hoằng Thệ Nguyện – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)
Các vị thiện tri thức, quá khứ có một lần tôi ở tại Thái Lan, có một số Phật giáo đồ thỉnh mời tôi thuyết pháp. Pháp tòa thiết lập ở trước cửa lớn, thính chúng tựa lưng vào tường còn tôi thuyết pháp thì mặt đối với phòng ngoài, quay lưng đối với họ. Những vị đệ tử người Mỹ theo tôi đi nhìn không quen những tập tục như thế cũng cố gắng trầm tịch. Ðây là Kinh nghiệm của tôi. Hôm nay không phải như thế, mà tôi đối diện với quý vị thuyết pháp.
Nói đến Phật pháp, hết thảy đều là Phật pháp, đều bất khả đắc. Người tu hành học Phật, không nên trên pháp sinh chấp pháp. Có ngã chấp, pháp chấp thì đều không thể chứng quả. Chúng ta phải phá hết thảy chấp trước, phải học không nóng giận, lâu dần thì có thể tương ưng với Phật Pháp Tăng, sau đó mới tiến tới tu hành, mới có tiến bộ. Chúng ta muốn tương ưng với Tam Bảo thì trước phải tẩy sạch vô minh phiền não và sự nóng giận. Nếu mỗi ngày giảm bớt vô minh phiền não thì trí huệ quang minh sẽ hiển lộ, ngược lại vô minh phiền não nhiều thì ngu si càng ngày càng tăng thêm. Ðây là sự chướng ngại lớn nhất của người học Phật, cũng là nghiệp chướng. Làm thế nào để tu hành dứt được nghiệp chướng? Trước hết phải phát tứ hoằng thệ nguyện.
Hoằng nguyện thứ nhất là:”Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Mỗi người đều có trách nhiệm phổ độ. Tự xét hỏi lòng mình, chúng ta có tận trách nhiệm chăng? Phải tự mình phản tỉnh lại. Nếu chỉ phát nguyện mà không thực hành thì việc độ chúng sinh chỉ nói ngoài miệng mà thôi.
Hoằng nguyện thứ hai:”Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Ðoạn phiền não và không đoạn đều tùy vào chúng ta. Nếu không cung hành thực tiễn thì như nói món ăn mà không ăn hoặc đếm tiền dùm cho kẻ khác thì đối với mình tơ hào chẳng lợi ích gì.
Hoằng nguyện thứ ba:”Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Pháp môn vô lượng vô biên, luôn luôn phải học tập. Phát nguyện này rồi, chúng ta phải nghĩ:”Chúng ta có cống hiến gì cho Phật pháp? Phải chăng đã làm Phật pháp phát đạt?”
Hoằng thệ nguyện thứ tư:”Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Phật đạo thật cao thượng nhưng việc chúng ta làm phải chăng việc của Phật làm? Phật thì đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Chúng ta phải tự hỏi mình. Bốn tâm vô lượng có phải chăng là tâm của chúng ta, phải thực hành tứ vô lượng tâm của Phật mới có thể nói đến thành Phật đạo.
Tóm lại muốn thực hành bốn hoằng thệ nguyện, thì trước phải tuyển chọn tông chỉ của mình mà thực hành, tuyển chọn tông chỉ gì thì tự mình quyết định. Ví như Vạn Phật Thành có sáu đại tông chỉ, cũng là mục đích, hướng đi của mọi người trong Vạn Phật Thành.
Thứ nhất là “Không tranh”. Bất cứ sự vật gì hoặc lợi ích, “người bỏ thì tôi giữ, người giữ tôi cũng vậy”. Không vì lợi ích mà tranh đoạt với người.
Thứ hai là “Không tham”. Các nơi trên thế giới có chiến tranh là vì người người đýu có tâm tham. Tham không biết đủ, tham mà không biết chán, vì tham dẫn đến có chiến tranh.
Thứ ba là “Không cầu”. Không hướng ngoại truy cầu. Cầu tài, cầu sắc, cầu hưởng thụ. Ðó đều là vì có tâm ích kỷ ẩn tàng bên trong. Muốn đạt thành tông chỉ không cầu thì phải thực hành, trừ sạch tham sân si của chính mình.
Thứ tư là “Không ích kỷ”. Phần đông xả người vì mình, không màng đến sự khốn khổ của kẻ khác, chỉ muốn mình sung sướng.
Thứ năm là “Không tự lợi”. Không tự lợi tức là lợi tha. Những kẻ trốn sâu lậu thuế, mua rẻ bán đắt đều là vì tự lợi. Nếu người người không có tâm ích kỷ tự lợi thì vấn đề xã hội có thể tiếp đón mà giải.
Thứ sáu là “Không vọng ngữ”. Nhiều lúc con người chỉ vì lợi ích cá nhân mà không trung thực, phát sinh tư tưởng nói dối. Không nói dối thì không vướng mắc những điều nói ở trên là tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, năm nhược điểm.
Ðạo thì phải hành. Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi nhìn thấy sao mai mọc liền ngộ đạo, sau đó Ngài nói:
“Lành thay! Lành thay!
Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính,
Ðều có thể thành Phật,
Chỉ vì vọng tưởng chấp trước,
Không thể chứng đắc”.
Tức nhiên Phật nói như thế, không phải Phật giáo đồ mới là chúng sinh, mà Thiên Chúa giáo đồ, Do Thái giáo đồ đều là chúng sinh, không thể riêng lập danh tự. Phật đã thọ ký cho chúng ta mấy ngàn năm về trước. Phật không có phân biệt ai tin Phật, ai tin Gia Tô, tận hư không biến pháp giới chúng sinh hữu tình có huyết khí, tin Phật hay không tin, không thành vấn đề, Phật không nói ai không phải Phật giáo đồ thì không thể thành Phật. Phật giáo thật là dân chủ nhất, bình đẳng công bình. Ai tu thì người đó có phần, không tu thì không có phần. Mỗi người phải dũng mãnh tinh tấn, đừng tự lầm những gì trong quá khứ, mà tự cam đọa lạc.
Sau khi thuyết pháp xong, Hòa Thượng kêu họ đặt câu hỏi: sau đây là vấn đáp.
Hỏi: Hòa Thượng, tôi muốn biết Phật tính quyết thực là gì?
Ðáp: Hiện nay bạn hỏi đó là Phật tính, bạn không có Phật tính thì không hỏi. Bạn không biết đây là Phật tính, tức là phải đánh một trăm hương bản.
Hỏi: Chúng tôi hôm nay rất vui.
Ðáp: Tôi sớm biết các vị không có ai muốn nóng giận đối với tôi.
Hỏi: Hòa Thượng, tại Vạn Phật Thành nói cảm tạ như thế nào?
Ðáp: Người trong Vạn Phật Thành không nói cảm tạ. Ai nói cảm tạ liền phạt năm trăm đồng. Tôi không từng nói hai chữ cảm tạ, cho nên họ nói tôi chỉ muốn chưởi người.
Hỏi: Nói tôn kính như thế nào?
Ðáp: Không cần nói, chỉ cần làm.
Tứ hoằng thệ nguyện là nói chung, tất cả chư Phật Như Lai ở ngay trong nhân địa phát ra vô lượng đại nguyện, nhưng quy nạp lại đến sau cùng không ngoài bốn điều này…
Thông thường nói, chư Phật Như Lai phát ra tứ hoằng thệ nguyện ở nhân địa. Tứ hoằng thệ nguyện là nói chung, tất cả chư Phật Như Lai ở ngay trong nhân địa phát ra vô lượng đại nguyện, nhưng quy nạp lại đến sau cùng không ngoài bốn điều này, ngay cả bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà cũng có thể quy nạp trong bốn nguyện này. Cho nên bốn nguyện này biến thành pháp môn Đại thừa, bao gồm hết căn bản đại nguyện trong đó. Phát nguyện nhất định tương ưng với bốn nguyện này.
TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN
Nguyện thứ nhất, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”
Nhất định phải phát tâm nguyện độ chúng sanh. Vì sao chúng ta phải phát nguyện độ chúng sanh? Phía trước đã nói qua với các vị, nếu như Bồ Tát không độ chúng sanh, không giáo hóa, không giúp đỡ chúng sanh thì tâm Bồ Đề của họ không hiển lộ được, hay nói cách khác, họ tu học công đức không thể viên mãn. Đạo lý này tuyệt nhiên không khó hiểu. Người thế gian chúng ta thường nói: “Giáo học tương trường, sư chất đạo hợp”, thầy giáo dạy học trò, học trò cũng thường gợi mở thầy giáo. Nhờ học trò chất vấn những nghi tình, hoặc giả ngay trong cuộc sống thường ngày, thầy giáo xem thấy thường hay cảm ngộ. Cảm ứng này giúp cho thầy giáo khai ngộ. Nếu không tiếp xúc học trò thì thầy giáo làm sao có thể thành công? Cho nên, tánh đức viên mãn nhất định phải dựa vào tiếp xúc với quần chúng rộng lớn, mới có thể hiện khởi được viên mãn. Đạo lý này chính là nguyên nhân tại sao Thiện Tài sau cùng phải trải qua năm mươi ba lần tham học. Nếu Ngài không tham học, thì trí tuệ của Ngài sẽ không thể viên mãn. Cho nên, bất cứ người nào, bất cứ phương thức đời sống nào, bất cứ nghề nghiệp nào ở thế gian này Ngài đều phải tham học. Ở ngay trong đó Ngài khởi phát trí tuệ, để trí tuệ đạt đến viên mãn chân thật. Do đây có thể biết, tu hành không phải nhốt mình ở trong nhà để tu, nhốt mình ở trong nhà để tu thì quyết định không thành. Điểm này các vị đồng tu cần phải biết. Nhốt trong nhà là hưởng phước, hưởng phước thì làm gì trí tuệ có thể sanh khởi được? Không có đạo lý này.
Chúng ta đã từng nghe qua những người xuất gia bế quan (cư sĩ tại gia cũng có) ở lều tranh cấm túc. Thế nhưng đó không phải là việc của người mới học có thể làm. Đó là việc của những người nào vậy? Những người đã thông qua tham học, đã thành tựu viên mãn căn bản trí và hậu đắc trí, hay nói cách khác, họ tốt nghiệp rồi, không còn nơi để tham học nữa. Lúc này phải nên phát nguyện giáo hóa chúng sanh. Thành tựu trí tuệ chính mình rồi thì phải dạy người. Đây là thường qui, là qui củ của chư Phật Như Lai. Sau khi bạn thành Phật thì làm gì? Sau khi thành Phật không phải không có việc làm, không phải ngồi ở trong miếu để người ta cúng dường, lễ bái. Sau khi thành Phật thì phải phổ độ chúng sanh, giáo hóa chúng sanh. Các vị phải biết, Phật pháp là sư đạo. Sư là rất tôn quý, tôn sư trọng đạo. Vào thời xưa, Phật pháp cùng thế pháp giống nhau, “chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo”. Thầy giáo không thể nói: “Ta đến dạy cho con”, không thể nói lời nói này, làm gì có người cuồng vọng như vậy, bạn có bao nhiêu bản lĩnh mà bạn dám dạy người? Cho nên khi Phật Bồ Tát thành Phật, các Ngài cũng rất khiêm tốn, không dám nói là “ta có học vấn, ta có đức hạnh, có thể làm thầy người”. Thầy là do người khác tôn xưng, chính mình quyết định không dám xưng thầy. Vậy thì phải làm sao? Chính mình thật đã thành tựu, lại rất ngại không nói với người; người ta cũng không quen biết họ, làm sao chịu theo học với họ? Cho nên phải treo một bảng hiệu, bảng hiệu này là bế quan, cấm túc trong núi, ý này chính là tuyên bố với quần chúng rộng lớn trong xã hội rằng trí tuệ đức năng của tôi thành tựu rồi, không cần phải tham học bên ngoài nữa, những người tham học đều có thể đến chỗ của tôi. Cho nên, họ bế quan là bởi vì không có pháp duyên, không có người mời họ giảng Kinh, nên họ dùng phương pháp này để chờ đợi pháp duyên, cũng chính là đợi người khác đến thỉnh pháp. Một mặt chờ đợi, một mặt chính mình tiến tu, “bách xích cần đầu, cánh tấn nhất bộ”, ở nơi đó chờ đợi.
Người thời xưa cầu học phải thân cận thiện tri thức. Vậy ai là thiện tri thức? Người tên có tuổi lớn, danh tiếng cao chưa chắc là thiện tri thức. Những ai là thiện tri thức? Đến khắp nơi tìm xem có người bế quan hay không, lắng nghe có người bế quan không, người bế quan chính là thiện tri thức chân thật. Chúng ta có thể đến nơi của họ để tham học, để thỉnh giáo. Nếu như bạn nêu ra những nghi vấn mà họ không thể giải quyết cho bạn, thì bạn có thể mở cửa bế quan của họ, mời họ ra cùng đi tham học với bạn. Nếu bạn chưa đủ tư cách bế quan thì vẫn phải nên đi làm học trò. Bế quan chính là làm học trò đã viên mãn, có thể làm thầy giáo. Cho nên, sư đạo rất là tôn nghiêm, cần phải có người thỉnh pháp thì Phật Bồ Tát mới xuất hiện để giảng Kinh nói pháp.
Năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện ở thế gian, Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề, đêm nhìn sao sáng là thị hiện chứng quả, cũng chính là thành tựu trí tuệ đức năng cứu cánh viên mãn. Sau khi thành tựu thì phải hoằng pháp lợi sanh. Nếu không có người quen biết Ngài, không có người mời Ngài, ở trong tình trạng này thì Ngài phải vào Niết Bàn, ở nơi đó tọa hóa. Thực tế mà nói, điều đó thật đáng tiếc, vì Phật đến thế gian thật không dễ dàng. Nhân gian không có người quen biết Ngài, nhưng thiên nhân thì có thần thông, họ biết được, cho nên liền giáng hạ xuống thế gian này, vì thế nhân chúng ta mà thỉnh pháp. Thiên nhân ở đâu vậy? Tịnh Cư Thiên Nhân. Tịnh Cư Thiên là Tứ Thiền Ngũ Bất Hoàn Thiên, họ đều là người tu hành, không phải là người thông thường. Phàm thánh đồng cư, số lượng nhiều nhất có ba nơi. Thế gian này của chúng ta là một nơi phàm thánh đồng cư độ. Có rất nhiều nơi sơn minh thủy tú, chúng ta xem thấy sông núi có linh khí, người thế gian thông thường nói phong thủy rất tốt. Vì sao có linh khí? Vì sao phong thủy tốt như vậy? Xin nói với các vị, có chư Phật Bồ Tát, có A La Hán tu hành ở nơi đó, cho nên phong thủy mới tốt. Đạo lý này ngày nay chúng ta đã hiểu rõ, cảnh tùy tâm chuyển. Nơi nào có Bồ Tát, có A La Hán ở, thì hoàn cảnh nơi đó liền chuyển tốt, vì tâm của họ thanh tịnh, chân thành, từ bi, tràn đầy trí tuệ, đức năng. Y báo tùy theo chánh báo chuyển! Nơi đây không có Phật Bồ Tát, không có người chân chính tu hành thì phong thủy làm sao chuyển tốt được? Vào thời xưa, có một số người không rõ đạo lý này, họ xem thấy đạo tràng, chùa miếu ở đại lục Trung Quốc đều được xây dựng nơi phong thủy rất tốt, họ cho rằng người xuất gia biết xem phong thủy, biết chọn nơi phong thủy tốt để xây dựng chùa miếu, xây dựng đạo tràng. Kỳ thật, họ sai rồi, người xuất gia làm gì có chuyện đi xem phong thủy? Người xuất gia đến ở nơi đó vài năm thì phong thủy ở nơi đó xấu cũng biến thành tốt. Đó chính là đạo lý cảnh tùy tâm chuyển. Phàm phu thì tâm tùy cảnh chuyển, vậy thì khổ. Vốn dĩ phong thủy này không tệ, phàm phu đến ở nơi đó, ngày ngày sanh phiền não, ngày ngày khởi vọng tưởng, ở đó hai ba năm, phong thủy tốt cũng biến thành phong thủy xấu. Các vị đều hiểu được đạo lý này thì không cần phải mời người xem phong thủy, tốn tiền oan uổng, đều là bị người gạt. Chính mình phải có bản lĩnh chuyển phong thủy, đó là chính xác, không có chuyện phải dựa vào thầy địa lý đổi phong thủy cho bạn, không có cái đạo lý này. Nếu họ biết đổi, vì sao họ không tự đổi phong thủy cho chính họ. Ngay chính họ cũng không tự thay đổi, còn nói giúp bạn đổi, bạn có thể tin tưởng họ không? Cho nên người học Phật nhất định phải hiểu rõ đạo lý này, không nên bị người khác lừa gạt, không nên bị người dụ.
Nhất định phải phát nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, nguyện tâm phải lớn, phải lấy tâm Bồ Đề để nương theo.
Trong tâm Bồ Đề không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên tâm Bồ Đề tương ưng với hư không pháp giới; bạn xem, tâm lượng này bao lớn? Đó là chân tâm. Tâm của chúng ta vốn dĩ chính là lớn như vậy. Mỗi niệm vì chúng sanh, không vì chính mình; chúng sanh chính là chính mình, vậy thì đúng, hoàn toàn chính xác, tương ưng với chân tướng sự thật. Chúng ta ở nơi đây, trong lúc giảng giải thường hay nói đạo lý này. Tận hư không khắp pháp giới đích thực là một thể chính mình.
Ngày nay thế giới này phân tranh rất nghiêm trọng. Mọi người đều biết kết quả này là do bất thiện, thế nhưng không ai chịu buông bỏ tranh chấp. Rốt cuộc vấn đề là do đâu? Chính ngay tâm lượng quá nhỏ, chỉ xem thấy lợi ích của chính mình, không hề xem thấy lợi ích của người khác, cho nên làm một số việc tổn người mà không lợi mình. Người thế gian thường nói: “Tổn người lợi mình”, lời nói này là sai, không hợp đạo lý. Tổn người nhất định không lợi mình, lợi người mới là chân thật lợi mình. Hại người thì làm gì có chuyện lợi mình? Xưa nay trong và ngoài nước, không hề có đạo lý này. Cho nên, đây chính là tư tưởng sai lầm, mê muội, mê hoặc điên đảo. Tư tưởng kiến giải, lời nói, việc làm hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật, đó gọi là phàm phu. Tư tưởng, lời nói, việc làm của Phật Bồ Tát hoàn toàn trái ngược với phàm phu chúng ta. Việc này đáng được chúng ta tham khảo, nghiên cứu.
Chư Phật Bồ Tát dùng chân tâm. Trên Kinh Đại thừa thường nói: “Chân tâm lìa niệm”. Ý niệm này là vọng niệm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong chân tâm không có ý niệm này. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tâm này liền gọi là chánh tâm, chánh niệm, chân như (chân như là chân tướng của vũ trụ nhân sanh hoàn toàn tương ưng), đó là chân tâm hiển lộ. Nó không có chút ô nhiễm, không có chút mê mờ, hiển lộ ra trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng để giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh cũng phải có phước, có huệ mới có thể thân cận Phật Đà. Nếu như phước huệ không đủ thì cơ hội luôn lỡ qua trước mắt. Thời kỳ Mạt Pháp cũng không ngoại lệ. Ngày này chúng ta có duyên đọc được di giáo của Phật, hơn nữa đọc được bản gốc tinh hoa nhất, cái duyên này rất sâu. Chúng ta tiếp xúc có thể sanh tâm hoan hỉ, có thể tín, có thể nguyện, có thể hành, đó chính là trên “Kinh Di Đà” đã nói “không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước kia”. Chúng ta hiển thị ra vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đã tu, thiện căn, phước đức, nhân duyên của vô lượng vô biên kiếp hiện tại chín muồi. Chúng ta có thể gặp được nhân duyên thù thắng này không phải là việc dễ. Hiểu rõ rồi mới biết trân trọng, mới biết là đáng quý.
Một đạo tràng thành tựu nhất định được sự hộ niệm gia trì của tất cả chư Phật Như Lai, thiên long thiện thần bảo hộ, hiệp trợ, cảm ứng tương thông không thể nghĩ bàn mới có thể hình thành. Tôi học Phật hơn bốn mươi năm, giảng Kinh đến nay là ba mươi chín năm, tôi đã đi qua rất nhiều khu vực, nhưng không có nơi nào mà pháp duyên Phật pháp thù thắng vượt qua nơi này. Nơi này có pháp duyên thù thắng, cho thấy chúng sanh khu vực này thiện căn – phước đức – nhân duyên chín muồi. Nếu như không phải chúng sanh khu vực này nhân duyên chín muồi, thì không thể có được cảm ứng này. Vì sao Phật Bồ Tát chọn lựa nơi này để xây đạo tràng? Nhân duyên vô lượng. Nhân duyên này không phải phàm phu Tiểu thừa có thể đoán biết, mà là cảm ứng ở nơi đây, đặc biệt ba bốn năm gần đây nhất, chúng ta cảm xúc rất rõ ràng. Người tâm địa có chút thanh tịnh, đầu óc rõ ràng thì gần như đều thấy được cảm ứng này, chân thật không thể nghĩ bàn. Đương nhiên ở nơi đây nhờ vào sự lãnh đạo hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Cư sĩ Lý lãnh đạo hộ trì ở nơi đây được tất cả chư Phật Bồ Tát gia trì. Việc chư Phật Bồ Tát gia trì này không phải là ngẫu nhiên. Ở khu vực khác, đạo tràng khác, nhiều người lãnh đạo cũng đều muốn làm nhưng vì sao không được Phật Bồ Tát gia trì? Ông đã chứng minh cho chúng ta là ông được Phật gia trì. Mười năm trước, ông bị bệnh ung thư nghiêm trọng, hết phương cứu. Ông không đi bác sĩ, cũng không uống thuốc, chỉ một lòng niệm Phật, đợi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn. A Di Đà Phật không tiếp dẫn ông đến Thế giới Cực Lạc, mà giao cho ông một nhiệm vụ, một sứ mạng là ở đây xây dựng đạo tràng chánh pháp, tiếp dẫn chúng sanh căn tánh chín muồi. Căn tánh chín muồi là gì? Là ở ngay trong một đời này đáng được đến Thế giới Cực Lạc để làm Phật. Ông có sứ mạng tiếp dẫn những chúng sanh này. Việc này chúng ta chính mắt xem thấy, chúng ta có thể không tin tưởng hay sao?
Duyên của Kinh Vô Lượng Thọ không thể nghĩ bàn. Cả đời tôi giảng Kinh không hề rời khỏi giảng đài, pháp duyên giảng bất cứ Kinh luận nào đều không bằng giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Duyên của quyển Kinh này thù thắng, chính tôi có cảm xúc rất sâu sắc. Giảng các Kinh điển khác, thính chúng đến dự khoảng hai hay ba trăm người thì không tệ rồi. Còn giảng bộ Kinh này, tôi thường xem thấy người ngồi đầy chỗ. Có người nói với tôi: “Ngài chưa xem thấy lầu bốn cũng ngồi đầy chật”. Đây không phải là tôi biết giảng. Mỗi một bộ Kinh tôi đều có thể giảng qua được thông, nhưng vì sao giảng Kinh khác không có người nghe, còn giảng Kinh này thì thính chúng nhiều đến như vậy? Kinh Vô Lượng Thọ có rất nhiều quyển, giảng quyển khác thì thính chúng không nhiều, nhưng giảng quyển này thì thính chúng đặc biệt nhiều, đây không phải là chứng minh tường tận cho chúng ta sao? Chúng ta chọn lựa pháp môn này, chọn lựa quyển Kinh này là đúng rồi, tất cả chư Phật hoan hỉ, long thiên thiện thần ở bên cạnh cổ vũ, để chúng ta chân thật đoạn nghi sanh tín, không xen tạp, không gián đoạn, ngay trong một đời này chúng ta quyết định thành tựu.
Cư sĩ Lý phát đại tâm, chúng tôi cùng nhau thương lượng. Lần này vì “Kinh Hoa Nghiêm” và “Kinh Vô Lượng Thọ”, ông đã xây hai tòa tháp đồng. Các vị xem thấy, hai tòa tháp này hiện tại là bậc nhất trên toàn thế giới, không nơi nào cao hơn, to hơn nơi đây. Ông đặt cho hai tòa tháp này tên là “Hoa Nghiêm Song Tháp” để kỷ niệm giảng hai bộ Kinh lớn này. Trên thực tế, ý nghĩa này rất sâu. Hai bảo tháp này là bảo tháp kim cang, trấn định nền tảng đạo tràng này kiên cố. Giống như trên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đất này là kim cang thành tựu, chánh pháp được kiến lập ngay nơi đây”. Chúng ta phải nguyện báo đáp cư sĩ Mộc Nguyên, cũng báo đáp chúng sanh khu vực này duyên đã chín muồi. Nguyện này là nguyện gì? Giảng đường này giảng Kinh một năm ba trăm sáu mươi ngày, mỗi ngày đều giảng, không có một ngày gián đoạn; ngày rằm hay ba mươi chúng ta cũng giảng, ngày mùng một tết cũng giảng. Nhà ăn ở lầu dưới phục vụ cơm chay miễn phí. Tôi nghe nói, trước kia một năm nghỉ một ngày, ngày mùng một tết không phục vụ, nhưng hiện tại, ngày mùng một tết cũng phục vụ. Thật viên mãn! Ngày nay đi khắp nơi trên thế giới, có đạo tràng nào một năm ba trăm sáu mươi ngày, mỗi ngày đều giảng Kinh? Không hề nghe nói qua. Cũng giống như hai tòa tháp này, tháp là nhất thế giới, đạo tràng chúng ta giảng Kinh cũng đứng thứ nhất thế giới. Ngoài ra còn một niệm Phật đường ở lầu ba, một ngày niệm Phật hai mươi bốn tiếng, một năm ba trăm sáu mươi ngày cũng không hề gián đoạn, đó cũng đứng thứ nhất thế giới. Đạo tràng này giải – hành đều tiến, giải – hành tương ưng. Hai cái tháp này gọi là tháp Giải-Hành, đều là đứng thứ nhất thế giới. Trong niệm Phật đường khích lệ các đồng tu đến niệm Phật mỗi lúc. Chúng ta giảng bộ Kinh này chính là khuyên mọi người niệm Phật.
Niệm Phật phải niệm như thế nào vậy? Bồ Tát Đại Thế Chí dạy cho chúng ta một nguyên tắc là “gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”. “Tịnh” là không hoài nghi, không xen tạp; “tương tục” là không gián đoạn. Niệm Phật như vậy mọi người nghe nói rồi, nhưng ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta không làm được. Thực tế mà nói, không phải là không làm được. Ý nghĩa của tương tục rất nhiều. Thí dụ, bạn hành trì thời khoá sớm tối mỗi ngày không nhiều, chỉ khoảng mười phút, nhưng đều đặn không thiếu cũng gọi là tương tục. Trong mười phút này, bạn không có hoài nghi, không có xen tạp, tiếp nối từng câu từng câu, tương tục, mỗi ngày đều niệm được mười phút, mỗi ngày tương tục thì đúng rồi.
Tôi cũng có dạy qua các đồng tu, nếu như công việc của bạn rất bận, thời gian hành trì sớm tối đều không có, trên Kinh Phật dạy cho chúng ta, bạn có thể dùng số ngày nghỉ tương đối dài trong trong một năm, hay trong một tháng để niệm Phật. Thí dụ trong một năm bạn có được mười ngày nghỉ phép thì bạn dùng năm ngày để xử lý những công việc cá nhân, còn lại năm ngày bạn đến nơi đây để niệm Phật. Mỗi năm bạn đều đến niệm Phật năm ngày, mỗi năm không gián đoạn thì cũng gọi là tịnh niệm tương tục. Có thể thấy được, những gì Phật nói đều là nguyên lý nguyên tắc, hợp tình hợp lý hợp pháp, người người đều có thể làm được. Nếu như một tháng bạn có một kỳ nghỉ thì mỗi một tháng bạn đến niệm Phật một hay hai ngày. Nơi đây cũng như là đạo tràng Phật thất suốt năm. Chúng ta đem phương qui của Đại Sư Ấn Quang ở Núi Linh Nghiêm thực tiễn ở nơi đây.
Cư sĩ Lý còn phát đại tâm, hi vọng tương lai xây dựng một Thôn Di Đà ở cạnh đây để cúng dường người niệm Phật. Bạn đến nơi đây, bạn được tứ sự cúng dường. Cơm áo ngủ nghỉ thảy đều do nơi đây phụ trách, bạn không cần mang theo bất cứ thứ gì. Bạn buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, đến nơi đây ngày ngày nghe Kinh, ngày ngày niệm Phật. Không phải ông xây viện dưỡng lão mà là xây Làng Di Đà, cúng dường người chân thật phát tâm niệm Phật, muốn cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Người nào muốn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc để làm Phật, ông đều cúng dường. Phước báo này của ông quá lớn, ông cúng dường Phật chứ không phải ông cúng dường người khác. Cho nên, khi đến Làng Di Đà này ở thì là một vị Phật sống, quyết định bất thoái thành Phật, vậy thì còn gì bằng. Cho nên, đạo tràng này nhất định phát triển đến giải – hành tương ưng. Hai cái tháp đặt ở nơi đây có ý nghĩa rất sâu xa, là chư Phật Như Lai an định tín tâm cho chúng ta. Chúng ta xem thấy hoàn cảnh này thì tín tâm của chúng ta liền đầy đủ, nhất định không bị dao động. Chúng ta nhất định phải phát đại nguyện phổ độ chúng sanh.
Muốn phổ độ chúng sanh thì nhất định phải độ mình trước. Chính mình không được độ thì quyết định không thể độ được người khác. Thế nhưng có lẽ các đồng tu xem thấy trong Phật Kinh thường nói: “Chính mình chưa độ, trước độ người khác, phát tâm của Bồ Tát”. Bạn đã nghe qua, nhưng bạn có hiểu hay không? Đó là Bồ Tát, bạn có phải Bồ Tát không? Bạn không phải Bồ Tát thì không được. Các Ngài chưa tự độ chính mình, chính các Ngài chưa thành Phật, thế nhưng đã thành Bồ Tát rồi, nên mới có thể nói: “Ta chậm thành Phật một chút cũng không sao, ta độ chúng sanh trước”. Các Ngài có năng lực, có bản lĩnh nên dám nói câu nói này. Ngày nay chúng ta là phàm phu, không dám nói câu này. Chúng ta nhất định phải độ chính mình trước. Nếu không độ chính mình trước mà độ người khác thì chính mình vẫn đọa ba đường, đọa địa ngục, vậy không đáng lo sao? Chính ta thành Bồ Tát rồi thì không cần lo, vậy thì có thể không cần gấp thành Phật (được độ chính là thành Phật), giống như Bồ Tát Địa Tạng vậy. Học trò của Bồ Tát Địa Tạng là những người tiếp nhận giáo hóa của Ngài, số người thành Phật không biết bao nhiêu mà kể. Thế nhưng Bồ Tát Ngài hiện tại vẫn là Bồ Tát. Ngài có thể nói chính mình chưa độ mà trước phải độ người khác, Bồ Tát phát tâm, Ngài là Bồ Tát. Lời này Ngài nói thì không có lời gì để nói, thật không hổ. Chúng ta nghe nói thì phải nghe cho rõ ràng, đó là Bồ Tát, không phải phàm phu. Chúng ta quyết định phải độ chính mình trước. Trước độ chính mình chính là quyết định phải cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu như có được phước báo lớn này, xin nói với các vị, đây là nhân duyên hi hữu trong vô lượng kiếp. Người nào ngay trong một đời này, một năm hai năm không làm việc gì, ngày ngày nghe Kinh, ngày ngày niệm Phật, vậy thì còn gì bằng. Giải hành tương ưng thì làm gì đạo nghiệp chúng ta không thành tựu? Đó là thế gian, không cần nói nhân thế. Trong ba cõi, người có phước báo lớn đến như vậy cũng hi hữu, không dễ dàng. Chưa độ chúng sanh nhất định phải thành tựu chính mình. Thành tựu chính mình thứ nhất phải đoạn phiền não, phải trừ tập khí.
Nguyện thứ hai, “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”
Phiền não thì ngoại duyên là khó khăn nhất, không dễ gì dẹp bỏ. Đời sống thực tế của chúng ta, ăn mặc đi đứng, phước báo của chúng ta không lớn, mỗi một ngày vì những việc thế tục này mà bôn ba lo nghĩ, tâm không thể định lại. Đó là sự thật khách quan, không ai có thể tránh khỏi. Người có tiền, có thế lực, địa vị, thành thật mà nói, những tiền của, địa vị, quyền thế này đều rất nguy hiểm, rất tan nhạt, rất dễ mất đi. Sau khi mất đi, bạn phải làm sao? Cho nên, bất cứ một người nào, không luận giàu nghèo sang hèn, đời sống đều tràn đầy âu lo phiền não, rất muốn tâm của chính mình định lại để cố gắng dụng công tu hành mà cũng không có được duyên phận, không có được phước phần này, hay nói cách khác, tập khí nghiệp chướng quá nặng. Do đó, Phật dạy chúng ta đoạn phiền não, phát đại tâm là quan trọng. Chỉ cần bạn chịu phát đại tâm, chịu đoạn phiền não, cho dù phiền não chưa đoạn cũng không hề gì, miễn là bạn có quyết tâm, có thành ý muốn đoạn thì liền được chư Phật Bồ Tát hộ niệm, liền được chư Phật Bồ tát hộ trì, đến giúp đỡ bạn. Đó là cảm ứng tương thông không thể nghĩ bàn.
Đoạn phiền não để tâm chính mình được thanh tịnh, thành tựu đức hạnh của chính mình. Giáo học của Phật pháp cùng quan niệm của nhà Nho có thể nói không hẹn mà gặp. Khổng Lão Phu Tử dạy học trò bốn khóa trình, trong đó khóa thứ nhất chính là “đức hạnh”; giáo học của Phật pháp khóa thứ nhất là “đoạn phiền não”. Ý nghĩa của hai cách giáo học này hoàn toàn giống nhau. Khóa thứ hai trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có “học pháp môn”, đó là đạo lý nhất định. Nếu như không đoạn phiền não thì học pháp môn nhất định không thể thành tựu. Việc này chúng ta phải nên biết. Bạn không đoạn phiền não mà bạn học tất cả pháp môn thì sau cùng được kết quả gì? Tăng thêm tà kiến, không phải tăng thêm trí tuệ. Đem toàn bộ những gì bạn đã tu học biến thành tà tri tà kiến. Ai đem nó biến thành ta tri tà kiến vậy? Phiền não, tham-sân-si-mạn. Cho nên phải thành tựu trí tuệ chân thật, nhất định phải đoạn phiền não trước. Trong Phật pháp nói: “Sau khi phiền não đoạn hết rồi, bạn mới là một pháp khí”. Thí dụ như bạn là một món đồ hoàn chỉnh, không có chút hư tổn nào, bạn có năng lực tiếp nhận đại pháp của Như Lai.
Phật pháp gọi là pháp vô lậu. “Lậu” là đại danh từ của phiền não. Thí dụ như một cái tách trà có lỗ thủng, khi đựng trà sẽ bị rò rỉ. Lậu này là thí dụ cho phiền não, có phiền não thì đều bị rò rỉ hết, không giữ được. Cần phải đoạn hết phiền não thì tách trà của bạn mới hoàn hảo, mới có thể đựng trà, mới có thể tiếp nhận vô lượng pháp môn, bạn mới có thể bước vào giai đoạn sau.
Nguyện thứ ba, “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”
Tu học pháp môn thành tựu chính là thành tựu vô thượng đạo của chính mình, thành tựu trí tuệ đức năng viên mãn của chính mình. Bạn không có đức, không có năng, không có trí thì bạn làm sao có thể phổ độ tất cả chúng sanh? Tất cả chúng sanh căn tánh không đồng nhau, nhu cầu khác nhau, bạn muốn mãn nguyện tất cả chúng sanh, khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ, thì bạn phải toàn năng toàn trí. Cho nên, Phật pháp sau khi phát nguyện thì phải thật làm, phải thật tu. Mấy ngày nay chúng ta lợi dụng một chút thời gian rảnh trong lúc thu âm, đĩa thu âm “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh”. Trong “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh”, Thế Tôn vì chúng ta nói rõ nhân duyên Bồ Tát Địa Tạng khi mới sơ phát tâm, đó là bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng kiếp trước, cách hiện tại chúng ta quá xa quá lâu, không cách gì tính đếm được, thân phận của Ngài là một vị trưởng giả, cư sĩ tại gia, không phải người xuất gia. Vị đại trưởng giả tử này không phải là con trai của đại trưởng giả. Chữ “tử” là lời xưng hô tôn kính của Trung Quốc thời xưa, giống như chúng ta gọi Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử. Hiện tại chúng ta đem lời tôn kính này đặt ở phía trước, không để ở phía sau. Vì sao Đại trưởng giả tôn kính này phát tâm? Ngài xem thấy tướng hảo của Phật mà phát tâm. Cho nên các vị đồng tu phải biết, bảng hiệu trước cửa rất quan trọng. Hiện tại các công ty chú trọng bao bì, hàng hóa bên trong tốt xấu là việc thứ yếu, nhưng bao bì nhất định phải xinh đẹp, đó là sự hấp dẫn. Chư Phật Như Lai hiểu được tâm lý của phàm phu, cho nên bề ngoài của các Ngài đặc biệt trang nghiêm, đặc biệt tốt đẹp. Sự trang nghiêm bề ngoài của các Ngài không phải là hóa trang. Hiện tại vẻ đẹp bề ngoài là nhờ hóa trang, đó là đồ giả, không phải thật. Trang nghiêm của Phật Bồ Tát, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp do tu mà có, thành tựu đức hạnh, điểm này là quan trọng.
Người xem tướng đoán mạng thế gian thường nói “tướng tùy tâm chuyển”. Tướng mạo của chúng ta là tùy tâm chuyển, thể chất cũng là tùy tâm chuyển. Sau khi Bồ Tát thành Phật, còn phải dùng thời gian một trăm kiếp để chuyên tu phước. Cho nên thành Phật gọi là Nhị Túc Tôn, phước huệ đều viên mãn. Trong nhà Phật chúng ta gọi Phật này là Phật của Tạng giáo, Phật của Thông giáo, các Ngài phải dùng thời gian một trăm kiếp để tu tướng hảo. Nếu như là Phật của Viên giáo thì không cần tu tướng hảo, vì tướng hảo của các Ngài là từ trong tự tánh lưu xuất ra. Quang minh tướng hảo đó chẳng phải là ba mươi hai tướng, mà Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, nhưng phàm phu chúng ta không nhìn thấy. Phật của Tạng giáo và Phật của Thông giáo chưa kiến tánh, họ thành tựu công đức là do tu mà được. Trong “Bách Kiếp Kinh”, Phật nói với chúng ta, một tướng hảo phải tu một trăm loại công đức, chứ không phải một trăm cái. Mỗi một loại không biết phải tu thời gian dài bao lâu mới có thể tu được viên mãn. Ba mươi hai tướng thì họ phải tu ba ngàn hai trăm loại công đức. Tu ở thế gian phải mất một trăm kiếp. Phật phải tu ba ngàn hai trăm loại công đức trong một trăm kiếp mới có thể thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp này. Cho nên chúng sanh có duyên thấy được tướng hảo của Phật thì liền bị cảm động, liền phát tâm. Chúng ta xem thấy phát tâm của đại trưởng giả tử trên “Kinh Địa Tạng” và phát tâm của tôn giả A Nan trên “Hội Lăng Nghiêm” là hoàn toàn giống nhau. Vì sao Tôn giả A Nan phát tâm xuất gia? Vì Ngài xem thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài cảm thấy tướng hảo này không phải do cha mẹ sanh ra mà nhất định do tu hành thành tựu. Ngài muốn xuất gia là vì muốn có được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Ngài vì việc này mà xuất gia, tu học cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho nên, nhân duyên xuất gia chúng ta không cần phải lo. Dù nhân duyên như thế nào, chỉ cần bạn chịu tu, thành tựu sau cùng là chân thật. Từ ngay chỗ này xem, nhãn hiệu bên ngoài vỏ hộp rất quan trọng, chúng ta cần phải xem trọng sự việc này, xem trong việc chính mình chăm chỉ tu học. Cho nên trước khi Phật giảng Kinh, Ngài đem quả báo mà chính Ngài đã tu được trình hiện ra cho chúng ta xem. Sau khi bạn thấy thì bạn tự nhiên động tâm, cũng muốn tu học. Cá nhân chúng ta phải là một tấm gương tốt cho mọi người. Mọi thứ đều tốt, dung mạo tốt, thân thể tốt, đối nhân xử thế tiếp vật tốt, không có thứ nào mà không tốt, đó chính là bảng hiệu, vậy thì bạn mới có thể nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Nếu bạn muốn độ tất cả chúng sanh, muốn giáo hóa tất cả chúng sanh, hoằng pháp lợi sanh mà chính mình không chịu làm tốt vẻ bên ngoài thì làm sao được? Muốn bên ngoài làm được tốt thì nhất định phải đoạn phiền não, nhất định phải học pháp môn.
Chúng ta phải thường giữ tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” và phải thường tu hạnh “nhìn thấu, buông bỏ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Tâm hạnh của chúng ta phải tương ưng với mười câu, hai mươi chữ này. Nếu quả nhiên tương ưng thì chỉ ba năm, diện mạo của chúng ta liền thay đổi, thể chất cũng sẽ thay đổi. Vì sao vậy? Vì tướng tùy tâm chuyển. Đạo tràng này vừa mới xây, một năm ba trăm sáu mươi ngày, mỗi ngày đều giảng Kinh, mỗi ngày đều niệm Phật không hề gián đoạn. Chúng ta chỉ cần ở trong đạo tràng này ba năm, sau ba năm chúng ta đi ra ngoài quyết định sẽ khác với người thông thường. Đây là đạo lý nhất định. Họ ở đạo tràng này huân tu thời gian dài, thân tâm thảy đều thay đổi, làm gì mà không vãng sanh, làm gì mà không thành Phật chứ? Cho nên, trong tương lai, chỗ này sẽ biến thành đạo tràng tuyển Phật trên toàn thế giới. Chúng ta tuyển người để làm Phật thì đến đạo tràng này tuyển. Singapore là quốc gia có phước không thể nghĩ bàn. Khu vực Đông Nam Á này có phước mới có thể có một đạo tràng đúng pháp, thù thắng như vậy. Chư Phật hoan hỉ, hộ pháp thiện thần đặc biệt chiếu cố khu vực này. Việc này chúng ta có thể tưởng tượng ra được.
Nguyện thứ tư, “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”
Chúng ta phải có đầy đủ nguyện này thì quyết định niệm Phật vãng sanh. Nếu như không niệm Phật vãng sanh, không tu pháp môn này thì nguyện thành Phật đạo này rất khó khăn. Đó là thật, không phải là giả. Do đó trên Hội Hoa Nghiêm, các Bồ Tát thượng thủ trong Thế giới Hoa Tạng như Văn Thù, Phổ Hiền đều phát tâm cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều phát nguyện phải thân cận Phật A Di Đà. Vì sao vậy? Lần đầu tôi đọc đến đoạn Kinh văn này, tôi mê mờ không hiểu, tôi nghĩ không thông. Nếu nói các Bồ Tát khác phát nguyện cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta có thể nghĩ được thông, nhưng Văn Thù, Phổ Hiền là Bồ Tát Đẳng Giác của Thế giới Hoa Tạng, có lý do gì phải vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Tôi đã mất thời gian rất dài để nghĩ đến việc này, mới nghĩ ra một lý do (lý do này chắc là đúng), đó là Thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật nhanh. Thế giới Hoa Tạng tuy là dần dần tu cũng thành Phật, nhưng thời gian thành Phật dài, không thể nhanh bằng Thế giới Cực Lạc. Họ vừa đến Thế giới Cực Lạc thì liền thành Phật, còn ở Thế giới Hoa Tạng vẫn phải đợi không biết đến ngày tháng năm nào. Đó là thật. Cho nên tất cả Bồ Tát, không có một ai mà không hy vọng vãng sanh Thế giới Cực Lạc, hy vọng sớm một ngày thành Phật. Do vậy, không nên để lỡ thời gian dài, không cần phải tu hành khổ đến như vậy. Nếu muốn giải quyết hai vấn đề này, thì chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Văn thù, Phổ Hiền không chỉ chính mình phát nguyện vãng sanh, mà các Ngài không bỏn xẻn, không bòn pháp, các Ngài biết được pháp môn này hay, nên phổ biến khuyên bảo các Bồ Tát ở Thế giới Hoa Tạng, bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại sĩ đồng sanh Tịnh Độ, các Ngài đã làm được như vậy. Chúng ta thử nghĩ xem, Văn Thù, Phổ Hiền là học trò đắc ý của Tỳ Lô Giá Na Phật. Học trò đắc ý đem đồ chúng của thầy thảy đều đưa đến Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật, làm cho Thế giới Hoa Tạng không còn ai. Bạn nói xem, Tỳ Lô Giá Na Phật có sân giận hay không? Phật không giống như chúng sanh. Nếu là chúng sanh thì không thể chịu nổi, “nơi đây pháp duyên của ta tốt như vầy, bạn đều mang đi đến nơi khác hết, làm cho pháp duyên này của ta không còn gì nữa, vậy thì còn gì đáng trách hơn không?”. Tỳ Lô Giá Na Phật không những không tức giận mà còn tán thán. Cũng giống như trên Kinh này nói (đoạn Kinh văn này vẫn chưa giảng đến), Thế gian Tự Tại Vương Như Lai là thầy của Bồ Tát Pháp Tạng. Pháp Tạng Bồ Tát ở Tây Phương xây dựng Thế giới Cực Lạc, chính mình thành Phật, cũng đều đem tất cả những đồ chúng dưới hội của Thế gian Tự Tại Vương đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế gian Tự Tại Vương không những không tức giận mà còn tán thán, nói Ngài làm đúng. Vì sao vậy? Tất cả chư Phật Như Lai chỉ có một tâm niệm là hy vọng tất cả chúng sanh mau mau thành Phật, “ngươi đến nơi đó mau thành Phật, ở nơi đây của ta thành Phật chậm, ngươi đến nơi đó của Ngài là đúng rồi”, bổn nguyện của Phật đạt được rồi. Cho nên, cách làm này chân thật là làm rõ bổn hoài của Phật, làm được không sai, làm được chính xác. Tâm Phật cùng tâm phàm phu đích thực khác nhau.
Chúng ta phải ghi nhớ, ngay trong một đời này muốn đầy đủ tứ hoằng thệ nguyện thì chỉ có cầu sanh Tịnh Độ. Ở thế gian này, chúng ta phải tu học công đức chân thật. Trong công đức bao hàm cả phước đức. Muốn tu công đức, phước đức đệ nhất đẳng, không gì hơn khuyên người niệm Phật. Đó là đại phước đức, phước đức hy hữu không gì bằng. Chúng ta ngày nay có cơ hội tu, có duyên phận tu thì phải nên chăm chỉ nỗ lực mà tu học.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 27-28